Giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Luật quản lý ngoại thương năm 2017 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
1. Mục đích của giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu
Điều 36 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 đã giải thích về giấy chứng nhận lưu hành tự do như sau: là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Theo quy định của pháp luật thì giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của giấy chứng nhận lưu hành tự do và các loại văn bản chứng nhận có nội dung tương tự.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do – CFS được xem là một công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm có thể kiểm tra mức độ chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào nước họ, cũng như tăng độ tin cậy, vì khi một sản phẩm có CFS thì tức sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và sản phẩm đó đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại nước đó. Ngược lại đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi đã xin được giấy chứng nhận CFS, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc lưu hành sản phẩm của mình tại nước bạn, không bị mất nhiều thời gian, cũng như những chi phí không đáng có khác.
Từ những phân tích trên, có thể nhận xét rằng giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu giúp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền ở nước nhập khẩu kiểm tra được mức độ chất lượng, mức độ tin cậy đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
*Giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa nhập khẩu:
Giấy phép lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về các loại hàng hóa nhập khẩu yêu cầu có CFS và cơ quan có thẩm quyền quản lý CFS đối với các loại hàng hóa đó. Hiện nay, danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS được Chính phủ quy định và ban hành kèm theo tại phụ lục V Nghị Định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018. Dựa trên cơ sở Danh mục này, căn cứ theo tình hình thực tế trong từng thời kì, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành danh sách các hàng hóa nhập khẩu cụ thể bắt buộc phải có CFS. Điều này đã được hướng dẫn rõ tại khoản 1, 2 Điều 10 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
“1. Ban hành Danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS quy định tại Phụ lục V Nghị định này.
2. Căn cứ yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ và trong phạm vi Danh mục hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi Tiết Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp CFS kèm theo mã HS hàng hóa.
Thứ hai, về nội dung giấy phép lưu hành tự do hàng hóa nhập khẩu. Với mục đích kiểm tra chất lượng, độ tin cậy của hàng hóa nhập khẩu, do đó giấy phép lưu hành tự do hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải đáp ứng tổi tiểu các thông tin sau đây để bảo đảm tính chính xác:
– Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.
– Số, ngày cấp CFS.
– Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
– Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.
– Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
– Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.
– Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.
Ngoài những nội dung chính nêu trên, tại Điều 10 Nghị định 69/2018 cũng quy định các trường hợp khác liên quan đến giấy phép lưu hành tự do hành hóa xuất khẩu như sau:
– Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý quy định cụ thể trường hợp CFS được áp dụng cho nhiều lô hàng.
– Trường hợp có yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý, CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.
– Trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS hoặc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với nội dung CFS, cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh tới cơ quan, tổ chức cấp CFS.
*Giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì giấy phép lưu hành tự do đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định như sau:
1. Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo các quy định sau:
a) Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.
b) Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
2. CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định này.
Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu để cấp CFS.
3. Quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu
a) Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến cơ quan cấp CFS, hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
– Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
– Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.
– Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp CFS thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
c) Thời hạn cấp CFS không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp CFS, cơ quan cấp CFS có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
d) Cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với CFS đã cấp trước đó.
đ) Số lượng CFS được cấp cho hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân.
e) Trường hợp bổ sung, sửa đổi CFS; cấp lại do mất, thất lạc CFS, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến cơ quan cấp CFS. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan cấp CFS xem xét điều chỉnh, cấp lại CFS cho thương nhân.
4. Bộ, cơ quan ngang bộ thu hồi CFS đã cấp trong những trường hợp sau:
a) Thương nhân xuất khẩu giả mạo chứng từ, tài liệu.
b) CFS được cấp cho hàng hóa mà không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng.