Án phí dân sự là khoản tiền mà đương sự trong vụ án có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của Tòa án. Án phí dân sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì án phí dân sự (Nghị quyết số 326). Một số quy định về án phí dân sự cần lưu ý bao gồm:
1. PHÂN LOẠI ÁN PHÍ
1.1 Căn cứ vào từng loại vụ án
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 326 thì án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Ngoài ra, án phí dân sự còn được tính trong trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự (theo khoản 1 Điều 21 Nghị quyết số 326). Mức án phí Tòa án được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326.
1.2 Căn cứ vào giá ngạch
Án phí dân sự chia thành án phí dân sự có giá ngạch và án phí dân sự không giá ngạch. Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 24 Nghị quyết số 326 có quy định như sau:
Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
Ví dụ như: Tranh chấp về ly hôn, tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con, tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ; tranh chấp về việc công nhận quyền sở hữu quyền sử dụng đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất; Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác…
Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Ví dụ như: Tranh chấp về các loại hợp đồng, tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về chia thừa kế, tranh chấp về bồi thường thiệt hại tài sản, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên yêu cầu trả lại tiền, đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc…
Như vậy, điểm khác biệt giữa vụ án dân sự có giá ngạch và vụ án dân sự không có giá ngạch là trong vụ án dân sự có giá ngạch thì yêu cầu của đương sự là tiền hoặc yêu cầu của đương sự phải được xác định bằng tiền. Còn trong vụ án dân sự không có giá ngạch thì đương sự không có yêu cầu là tiền hoặc yêu cầu của đương sự không phải xác định bằng tiền.
1.3 Theo trình tự giải quyết vụ án
Án phí dân sự gồm án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 326.
2.TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ VỀ NGHĨA VỤ CHỊU ÁN PHÍ DÂN SỰ.
Về nguyên tắc, nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các Điều 26, 29 Nghị quyết số 326. Tuy nhiên, nghĩa vụ dân sự sơ thẩm vẫn có một số trường hợp được xem như là ngoại lệ cần phải lưu ý như sau:
– Trường hợp thứ nhất, trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm (Điểm f khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326).
– Trường hợp thứ hai, đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung; (điểm d khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326).
– Trường hợp thứ ba, Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải đương sự không thỏa thuận việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng đến trước khi mở phiên tòa các bên đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hòa giải trước khi mở phiên tòa và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia (điểm đ khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326).
– Trường hợp thứ tư, các đương sự thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trước khi mở phiên tòa nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch (điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326).
3. MIỄN, GIẢM ÁN PHÍ DÂN SỰ
3.1 Về trường hợp được miễn án phí dân sự sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326 thì những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền án phí:
– Nguyên đơn là người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
– Nguyên đơn là người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
– Đương sự là trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
+ Trẻ em theo Luật trẻ em năm 2016 là người dưới 16 tuổi.
+ Người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi năm 2009 là người từ đủ 60 tuổi trở lên.
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 thì “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật, Khuyết tật được chia thành các dạng khuyết tật cụ thể như sau:
(1)- Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
(2)- Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
(3)- Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
(4)- Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
(5)- Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
(6)- Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc 05 trường hợp khuyết tật nêu trên.
+ Xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay Danh sách xã đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định số: 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.
+ Thân nhân Liệt sĩ theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2005 thì “Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm : Cha đẻ, mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Con; Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ”.
3.2 Về trường hợp được giảm án phí dân sự
Theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết số 326 thì trường hợp sau đây được giảm nộp án phí: Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp án phí có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Mức án phí được Tòa án giảm là 50% mức tạm án phí mà người đó phải nộp.
3.3 Trình tự, thủ tục miễn, giảm án phí dân sự
Theo các quy định tại Điều 14, 15 Nghị quyết số 326 thì người đề nghị được miễn, giảm án phí phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm. Đơn đề nghị miễn, giảm án phí phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm làm đơn; Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn; Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm. Về thẩm quyền miễn, giảm án phí được thực hiện như sau: Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án. Quy định về việc người xin miễn, giảm án phí phải làm đơn yêu cầu là một quy định mới của Nghị quyết số 326 so với các quy định về án phí, lệ phí Tòa án trước đây.