TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ KHI THÔNG TIN SAI SỰ THẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona đang là vấn đề nóng được sự quan tâm của dư luận toàn cầu.

Ngày 31/1/2020 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng dịch bệnh do vi rút corona (2019-nCoV) đang xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc vi rút này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu của dịch bệnh đã gây ra nhiệu hệ lụy đến mọi mặt của đời sống xã hội của các quốc gia.

Theo đó, để chủ động phòng chống dịch lây lan trên diện rộng trong nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả.

Căn cứ Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng quy định như sau: “Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;”

Mặc dù tài khoản Facebook, Zalo, Instagram,… hay các tài khoản mạng xã hội tương đương là tài khoản riêng tư của cá nhân người dùng. Tuy nhiên, quyền tự do của cá nhân trên không gian mạng không phải được thực hiện một cách tùy tiện mà bị giới hạn bởi những quy định pháp luật cụ thể vì lợi ích chung của cộng đồng, Nhà nước.

Đặc biệt với sức ảnh hưởng, lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội trong thời buổi hiện nay thì việc phán đoán vô căn cứ, thông tin sai sự thật của nhiều cá nhân trên không gian mạng về dịch bệnh Corona sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến dư luận xã hội cũng như tác động, chi phối không nhỏ đến những nỗ lực, cố gắng kiểm soát dịch bệnh của chính quyền, của các cơ quan chức năng, của lực lượng chuyên trách vẫn đang trực chiến phòng chống dịch. Thậm chí trong nhiều trường hợp, hành vi sử dụng mạng xã hội thông tin sai sự thật tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý khách nhau như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể nếu xác định những thông tin sai sự thật được đăng tải, chia sẻ công khai trên không gian mạng nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt trên không gian mạng gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Thậm chí người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Như vậy, trong thời buổi mạng xã hội ngày càng phát triển, phương tiện thông tin truyền thông, báo đài tuyền thống đang bị lấn át thì việc đăng tải, trao đổi, chia sẻ thông tin không còn là quyền của riêng cá nhân, tổ chức nào cả. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng thì mọi thông tin đều phải đảm bảo tính chính xác, minh bạch và buộc phải đặt trong sự kiểm soát và không trái với quy định pháp luật hiện hành.

Do đó, mỗi cá nhân đều phải nâng cao ý thức pháp luật đối với vấn đề chia sẻ thông tin trên không gian mạng, đồng thời cảnh giác, chọn lọc và không nên chia sẻ những nguồn thông tin chưa chính thống, thiếu căn cứ.

PHÒNG TỔNG HỢP (Bản tin & CSKH) – CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM -(ĐLSTPHN)
ĐT tư vấn: 0364.512.593 (Ms. Minh Anh)
Email: minhanh.luatvietkim@gmail.com
WWW.VIETKIMLAW.COM l Tel: 024.32.899.888
Hà Nội: Tầng 9, Handico Tower, đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, HN – Hot: 0975.999.836
HCM: P1501 – CC Thái An 1, đường Nguyễn Văn Quá, Q12, HCM – Hot: 0942.777.836
Thái Nguyên: 272 Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên – Hot: 0934.666.282

Lĩnh vực Đất đai – Nhà ở

  • Không có chuyên mục

Lĩnh vực: Doanh nghiệp

  • Không có chuyên mục

Lĩnh vực Tố tụng

  • Không có chuyên mục